Mang những tính năng của Android 4.1 Jelly Bean lên các máy cũ hơn
Android 4.1 đã xuất hiện được nhiều tháng nay, nó mang trong mình rất nhiều tính năng mới và đẹp. Tuy nhiên, đáng tiếc một điều là chưa phải thiết bị nào cũng đã nhận được bản nâng cấp lên hệ điều hành này, đó là chưa nói đến một số lượng lớn máy không nằm trong danh mục cập nhật của nhà sản xuất hoặc chưa có một bản ROM cook Jelly Bean đủ ổn định để dùng thường ngày. Nhưng cũng may mắn vì Android là một OS khá mở, do đó ta có thể tùy biến nó trên nhiều phương diện để mang một số thành phần từ Jelly Bean lên những phiên bản cũ hơn.
Màn hình khóa và Launcher
Android 4.1 có lockscreen (màn hình khóa) và launcher (chương trình có nhiệm vụ hiển thị màn hình chính và nơi duyệt ứng dụng) tuy đơn giản nhưng khá đẹp mắt và tiện dụng. Mới đây, một hãng phát triển có tên là Mobint Software đã chỉnh sửa và cung cấp hai thành phần này lên Google Play để mọi người dùng có thể trải nghiệm những tính năng mới của Android 4.1, miễn là bạn có trong tay một chiếc điện thoại Android 2.2 trở lên. Sau khi cài đặt hai ứng dụng tênHolo Locker và Holo Launcher, bạn sẽ thấy được màn hình khóa đặc trưng của Jelly Bean với những dấu chấm tròn chạy theo ngón tay mỗi khi ta di chuyển cũng như hai nút unlock/camera. Bạn có thể cài đặt nó làm lockscreen mặc định để thay thế hoàn toàn cho lockscreen đi theo máy.
Vào đến màn hình chính, bạn sẽ bắt gặp thanh dock ở cạnh dưới của màn hình cùng nút chạy App Drawer quen thuộc của Android 4.x. Biểu tượng của một số ứng dụng hệ thống như Phone, Browser, Settings, Gallery, Messaging,... đã được thay thế bằng bộ icon của Android Jelly Bean. Bạn cũng có thể dùng tính năng nhóm biểu tượng theo thư mục với phong cách y hệt như những gì mà các máy chạy Android 4.x bản gốc có thể mang lại. Về phần tùy chỉnh, bạn có thể chọn kích thước lưới để bố trí widget và biểu tượng ứng dụng, ẩn hiện thanh tìm kiếm và nhiều thứ khác nữa. Holo Locker và Holo Launcher hoạt động rất tốt, phần mềm chạy nhanh, mượt mà, không bị force close, và hơn hết là hoàn toàn miễn phí.
Tải về Holo Locker
Tải về Holo Launcher
(Lưu ý: bạn phải chạy Android 2.2 trở lên)
Thanh trạng thái
Thanh trạng thái, hay còn được gọi là Status bar, là phần giao diện luôn nằm trên cùng màn hình của một chiếc điện thoại Android, nơi đó bạn có thể thấy được biểu tượng cột sóng điện thoại, đồng hồ, cột sóng Wi-Fi, GPS và một số icon khác tùy vào thiết lập trên máy của bạn. Thành phần này có thể khác biệt tùy theo nhà sản xuất, ví dụ như thanh trạng thái của HTC Sense thì trông sẽ khác với status bar ở Samsung TouchWiz hay LG Optimus. Còn nếu bạn muốn mang status bar gốc của Android 4.0/4.1 lên máy thì cũng đơn giản thôi với sự trợ giúp của phần mềm Jelly Bean StatusBar.
Phần mềm này sẽ đóng vai trò như một lớp hiển thị chồng lên thanh trạng thái gốc của chúng ta, tuy nhiên nó có thể cập nhật nội dung theo thời gian thực, ví dụ như thay đổi giờ giấc, biểu thị cột sóng,... Các biểu tượng ở đây sẽ hiển thị với màu xanh dương trên nền đen, y hệt như những gì bạn thấy khi dùng ROM Android 4.1 gốc của Google. Bạn vẫn có thể kéo ngón tay để tiết lộ thanh thông báo (Notification) như bình thường, và nếu máy của bạn có Quick Settings (tức là những icon Wi-Fi, Bluetooth, âm lượng,... nói chung là để kích hoạt nhanh nhiều tính năng ngay trong Notification) thì vẫn có thể sử dụng được.
Tất cả biểu tượng thông báo, cả ứng dụng hệ thống lẫn ứng dụng bên thứ ba, đều hiện lên Jelly Bean Status Bar. Bạn thậm chí có thể chặn một số thông báo từ vài app nhất định để nó không bao giờ hiện lên nữa. Trong quá trình sử dụng, Jelly Bean StatusBar không gây hao pin hơn bình thường, và trên hai máy Android mà mình thử nghiệm (HTC EVO 3D, Sony Xperia Arc S) thì thanh trạng thái thay thế này hoạt động rất mượt mà, lại còn hỗ trợ tự xoay màn hình nữa.
Tải về Jelly Bean StatusBar
Lưu ý:
- Phải thêm Jelly Bean StatusBar vào danh sách loại trừ nếu bạn có dùng bất kì Task Killer nào.
- Sau khi cài đặt xong, bạn cần vào Settings (phần cài đặt của máy) > Accessibility >Jelly Bean StatusBar > ON hoặc bật phần Accessbility ngay trong Jelly Bean StatusBar để các app bên thứ ba có thể gửi thông báo đến status bar này.
Một trong những điểm giúp chúng ta dễ phân biệt Android 4.1 với Android 4.0 và những bản cũ hơn đó là hình nền gốc. Trên Android Market có vài lập trình viên cung cấp một gói hình nền như thế này, thật tuyệt vời, và lại còn miễn phí nữa. Các bạn chỉ việc tải trên Google Play rồi cài đặt, không cần phải chép thủ công từ ngoài vào hay "đột nhập" vào hệ thống gì cả. Sau khi cài xong thì có thể tiến hành đặt hình nền (hoặc Live Wallpaper) như bình thường nhé.
Tải về hình nền tĩnh của Jelly Bean
Tải về hình nền động (Live Wallpaper) của Jelly Bean
Bàn phím
Bàn phím là một trong những thành phần được chúng ta sử dụng rất nhiều khi chạy Android. Từ Android 4.0 trở đi, bàn phím đã được cải tiến rất nhiều so với Android 2.3, 3.0, giúp tăng độ chính xác, và giao diện nhìn cũng ngầu hơn nhiều. Để mang bộ gõ ngon lành này lên các bản Android cũ, mời các bạn sử dụng app Jelly Bean Keyboard. App này hỗ trợ bàn phím multitouch và có thể chuyển sang giao diện Split (chia đôi màn hình, khá tiện khi xoay ngang máy hoặc dùng cho máy tính bảng, bạn có thể kích hoạt trong phần Settings của bạn phím, mục Keyboard Layout). Nó cũng cho phép chỉnh sửa kích thước phím (cũng trong Settings > Key height). Hơi buồn một tí là nó chưa hỗ trợ tiếng Việt kiểu Telex mà chỉ theo phương pháp nhấn giữ để ra các kí tự có dấu. Tuy nhiên bạn vẫn có thể sử dụng nó để nhắn tin, search web và làm vài việc đơn giản khác.
Tải về Jelly Bean Keyboard
Thay đổi hình ảnh động lúc vừa khởi động máy
Để thay đổi hình ảnh dạng này (gọi là boot animation), bạn phải có quyền root. Sau khi chắc chắn rằng mình đã có thể làm việc này, bạn lên Google Play tải về phần mềm Boot Animation Root, nó sẽ giúp chúng ta đơn giản hóa việc cài đặt boot animation chứ không phải thực hiện tay. Kế đó, bạn tải về một trong hai boot animation tại đây. Mình có để hai file, một là của Galaxy Nexus, một là của Nexus 7, bạn cứ tải hết hai tập tin này về để lựa chọn thỏa thích. Đừng giải nén gì hết nhé, chỉ việc copy hai file zip này vào thẻ nhớ.
Để tiếp tục, bạn chạy phần mềm Boot Animation Root lên. Nó sẽ đòi quyền su, bạn phải nhấn Allow chứ không thì sẽ không làm tiếp được nhé. Chuyển tiếp sang thẻ Local, duyệt đến tập tin bạn vừa chép vào. Khi đã thấy chúng rồi thì chạm vào một trong hai tập tin này. Trong menu mới mở ra, bạn chọn Install để cài đặt. Vậy là xong, khởi động máy và thưởng thức kết quả thôi. (Tham khảo XDA)
Google Now là một phần của Android 4.1 Jelly Bean mới được giới thiệu gần đây, nó thay thế choGoogle Search đã có sẵn trên Android từ trước đến nay. Dựa trên tiêu chí này thì bên XDA đã mò ra cách để cài Google Now lên Android 4.0 Ice Cream Sandwich.
- Bạn phải dùng ROM Ice Cream Sandwich
- Đã root máy
- ROM đã deodexed, nếu bạn chưa rõ, hãy xem ở trang mà bạn tải ROM, người ta thường có ghi đầy đủ. Nhưng thường thì các ROM cook đã deodexed sẵn.
- Bản phải có một cái customer recovery nào đó, như ClockWork Mod hay Open Recovery chẳng hạn.
- CPU của máy phải dùng tập lệnh ARMv6 hoặc ARMv7, xem danh sách các máy ở đây
- Có một trình duyệt file root, có thể dùng ES File Explorer
- Cần ít nhất 60MB trống để cài bản đầy đủ, hoặc 30MB để cài bản online.
- Tải về tập tin cho bản cài đầy đủ hoặc bản chỉ dùng online
- Chép tập tin nào vào thẻ nhớ
- Tắt máy, vào recovery và flash tập tin trên như khi bạn flash ROM
- Khởi động lại thiết bị, vào app Drawer, kiếm biểu tượng Google màu xanh dương, chạy nó lên là bạn có thể sử dụng Google Now. Bạn cũng có thể dùng Google Search Widget để kích hoạt Google Now
Nhận xét
Đăng nhận xét